NHÀ HÁT HIỆN ĐẠI NHẤT VIỆT NAM

Ngày đăng : 08/12/2023

Nhà hát Hồ Gươm ngay gần hồ Gươm vừa khánh thành sáng nay 9-7, gây ấn tượng với 52 cột đá nguyên khối nhập khẩu từ Tây Ban Nha, được giới thiệu có ‘trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới’.

 

Nhà hát Hồ Gươm có quy mô 5.000m2, do Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng tại vị trí đắc địa cách hồ Gươm chỉ vài trăm mét (40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Nhà hát nằm tại giao điểm 4 con phố lớn trung tâm Hà Nội, sẽ là một điểm văn hóa mới kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc ngàn năm tuổi, tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm.

Dù được khởi công xây dựng trong đại dịch COVID-19, dự án đã được hoàn thành "thần tốc" chỉ trong thời gian 22 tháng.

Nhà hát Hồ Gươm được xây dựng trên khu đất hơn 5000m2 gồm 6 khu vực: Sảnh lớn và sảnh nhỏ phía trước phục vụ tiếp đón khách; Lõi giao thông đứng: tạo điều kiện di chuyển dễ dàng; Khán phòng lớn sức chứa 900 khách và khán phòng nhỏ sức chứa 500 khách; Khu vực hậu trường: sảnh diễn viên, sân khấu phụ, phòng tập, kho đạo cụ, khu văn phòng; Hầm để xe cho khách và nhân viên; Không gian đa năng, phòng nghỉ giải lao và sân vườn tầng 6.

Nhà hát Hồ Gươm gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế theo lối kiến trúc Tân cổ điển. Văn phòng kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị đã đưa ra phương án thiết kế nhà hát hài hòa với kiến trúc và cảnh quan tự nhiên khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Các kiến trúc sư chọn cách gây ấn tượng cho công trình với mọi người nhìn từ bên ngoài bằng 52 cột đá nguyên khối, được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha, cùng các khối mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà tăng tính hiện đại của công trình.

Sảnh chính của Nhà hát Hồ Gươm được lấy ý tưởng của bầu trời đầy sao đêm.

Ngoài ra, từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc...

Các họa tiết phù điêu tinh xảo và nhiều chi tiết, hình ảnh trang trí như rùa vàng trao kiếm hay hệ thống tranh sơn mài… tại các phòng khách, phòng VIP hay các khu chức năng là những nét văn hóa truyền thống Việt Nam được đưa vào nhuần nhị trong công trình kiến trúc hiện đại này.

Đặc biệt ấn tượng là bức điêu khắc kính Huyền thoại hồ Gươm đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.

Hệ thống hội trường đa năng tạo nên địa điểm linh hoạt, có thể tổ chức các sự kiện khác nhau. Hệ thống cấu hình này hoàn toàn tự động và trong vài phút có thể cho phép thay đổi linh hoạt không gian phòng khác nhau, phù hợp cho nhiều mục tiêu khai thác.

Ánh sáng của nhà hát Hồ Gươm đáp ứng được đa dạng các loại hình nghệ thuật khác nhau, gồm hệ thống: Ánh sáng để chiếu vào sân khấu, ánh sáng để theo dõi các diễn viên, ánh sáng để tạo nên các khung cảnh nghệ thuật.

Khu vực biểu diễn nghệ thuật là "trái tim" của Nhà hát Hồ Gươm. Nơi đây có 2 khán phòng (sức chứa 500 và 900 chỗ), đáp ứng được mọi yêu cầu về mặt biểu diễn cho các loại hình nghệ thuật khác nhau, từ ba-lê đến nhạc kịch, từ giao hưởng phương Tây đến âm nhạc, sân khấu truyền thống của Việt Nam...

Với vị trí đắc địa, nơi đây cũng sẽ trở thành tâm điểm kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm, nâng tầm điểm đến, góp phần quảng bá văn hóa du lịch, phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội.