TRIỂN LÃM “THẮM” Ở HÀ NỘI

Ngày đăng : 07/12/2023

Sau thành công của triển lãm “NĂNG” tại Đà Nẵng vào tháng 7/2023, Triển lãm Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam với tên gọi “THẮM” đã và đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm thu hút đông đảo người dân Thủ đô cũng như khách du lịch tham quan.

 

Bắt đầu như một dự án cá nhân của họa sĩ Phan Hải Bằng, tại Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, Trúc Chỉ đã từng bước phát triển từ một ý tưởng đơn giản đến một nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng. Đặt ra bởi nhu cầu khám phá giấy thủ công mới, anh đã dành thời gian nghiên cứu sâu rộng về giấy thủ công tại các làng nghề trải dài khắp Việt Nam. Kết quả là sự táo bạo xuất phát: Giấy thủ công có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân và độc lập.

Triển lãm là điểm đến quen thuộc đối với những người yêu nghệ thuật. “THẮM” mang đến cho công chúng Thủ đô 79 tác phẩm, chia thành 18 chuyên đề được trưng bày sinh động trong 4 không gian: Không gian Hành trình Trúc Chỉ; Không gian Nghệ thuật Trúc Chỉ; Không gian Mỹ thuật ứng dụng và Không gian Thiền Trà.


Trúc Chỉ - nhân vật chính của “THẮM” là loại hình nghệ thuật giấy, giấy nghệ thuật mới của Việt Nam do Họa sỹ Phan Hải Bằng - Giảng viên Trường Đại học nghệ thuật - Đại học Huế cùng các cộng sự khởi lập và tiến hành từ năm 2000 đến nay.

Những tác phẩm Trúc Chỉ trưng bày tại Hà Nội được làm từ các loại xơ sợi riêng và trong mỗi bức tranh có rất nhiều loại sợi (như: Tre, trúc, chuối, ngô, rơm, dừa, mía…) độ dài ngắn khác nhau và mỗi loại sẽ có một độ óng riêng, màu sắc độc đáo. Đây chính là nét đặc biệt của nghệ thuật Trúc Chỉ.

Quy trình tạo ra một tác phẩm Trúc Chỉ đòi hỏi sự sáng tạo cao và kiên trì. Từ làm giấy đến Trúc Chỉ, mỗi bước đều được thực hiện với công phu và tâm huyết. Loại giấy và cách kết hợp với nước, sau đó là Trúc Chỉ, đều được lựa chọn cẩn thận để tạo ra những hiệu ứng ánh sáng tinh tế khi tác phẩm được đặt trong không gian.

Đến với “THẮM”, khách tham quan cảm nhận được sự chín muồi về nghệ thuật ứng dụng và bản sắc của Trúc Chỉ thông qua khả năng, biểu hiện, phạm vi sáng tạo và sự thích ứng với đời sống đương đại mà Trúc Chỉ đã đạt được trong chặng đường 10 năm.

Tại “THẮM”, người yêu nghệ thuật không chỉ thưởng lãm các tác phẩm Trúc Chỉ, mà còn có cơ hội trò chuyện và trải nghiệm giá trị nghệ thuật về sản phẩm sơn mài thủ công. Từ đó lan tỏa sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, tôn vinh và phát huy giá trị di sản.